Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

LEM - 41 - CHỊ HAI HỈ

Chị Hai có một kết thúc lãng xẹt chưa từng thấy.
Một buổi sáng, Chị gục trên thớt thịt của mình và không bao giờ ngồi dậy. Hôm ấy trời trong xanh, nắng ấm chan hòa. Lựa một ngày đẹp như như thế để hấp tấp bỏ đi, không thèm nói tiếng nào khi vừa tuổi 42. Chị thật nhẫn tâm.
Không ai tin được cái sự thật vô lí trước mắt, cả nhà ngơ ngác bàng hoàng, lúc cầm trên tay cái hũ cốt đem gởi vào chùa thì Lem biết rằng: Mãi mãi trên thế giới nầy, vĩnh viễn vắng tiếng nói cười của Chị.
Anh Hai nhất định không đem Chị về quê nằm gần Má như ý Ba muốn, thiêu rụi Chị thành tro - Đau lòng làm sao! Dù biết đó là chuyện thường tình, dù biết chết là hết, dù biết Chị không còn cảm giác, nhưng Lem như thấy Chị đang lăn lộn thét gào trong biển lửa, ruột gan nó oặn xoắn từng cơn và cứ lẩm bẩm một mình giống như khùng - Chị ơi hãy cố chịu, cố lên Chị nhé, cố một chút thôi Chị à...
Chị đi, để lại toàn bộ của cải và quyền lực cho người “thừa kế”, HIỆP thay da đổi thịt ngay, tức thì vụt bật lên mạnh mẽ và đầy quyết đoán. Riêng 2 đứa con gái, chúng ủ ê như tàu lá chuối rủ, nhủi vào lòng Lem khóc suốt dù đã bự chàm quàm. Một đứa hơn 20, đứa kia thì tròn 15 tuổi.
Giữa phòng khách nhà Chị, xuất hiện ngay một cái bàn thờ, Chị được thượng lên đó ngồi chễm chệ, trên ấy Chị lúc nào cũng ngó xuống lom lom và cười tươi như muốn nói - Đừng lo, Chị vẫn đang rất vui Lem à, không thấy Chị luôn cười sao hả? Cả tấm thân ụt ịt 70 kg giờ chỉ là một tấm giấy mỏng tanh bất động. Ánh mắt bất động, nụ cười bất động, cả không gian bất động.
Có bao giờ Chị nghĩ mình buông tay sớm như như thế không? Có bao giờ Chị tưởng tượng ra cảnh 2 đứa con mồ côi, tối nào cũng thút thít, nước mắt dàn dụa khi nhìn vào khoảng trống trên chiếc giường đêm đêm Chị thường nằm, và chắc Chị chưa hề có chút xíu ý nghĩ sẽ bỏ lại tất cả, tình thương lẫn mồ hôi nước mắt bao năm tạo dựng, mặc xác cho nó ra sao thì ra. Ừ! Mà biết đâu, giờ Chị đang lẩn quẩn, quanh quất ở ngóc ngách nào đó quan sát rồi tức tối, trơ mắt nhìn ngôi nhà thân yêu của mình bị thiên hạ chiếm đóng làm tổ uyên ương, con thì cù bơ cù bất không chỗ dung thân và hối hận - Phải chi mình đừng ăn thịt heo nhiều như thế...!
Anh Hai nhanh chóng tiếp quản “sự nghiệp” Chị để lại, Anh năng nổ sốt sắng ra chợ từ sáng tới... nửa đêm. Chỉ một năm sau, cũng nhanh chóng không kém, rước một bà mới về với cái bụng tành phành - Kiếm một đứa con trai nối dõi tông đường, thờ cúng Ông Bà - Những lời đó là dành cho 2 con gái. Thật ra, không cần phải lí do lí trấu gì để trấn an dư luận cho mệt, Anh muốn làm gì thì làm, đố ai dám xía vô nhiều chuyện, bây giờ đã thâu tóm hết quyền hành, trong ngoài ngoài chợ một mình Anh tự tung tự tác. Tội nghiệp 2 đứa nhỏ, đường đường là nhân vật chính quan trọng nhất, trong phút chốc tự nhiên trở thành những vai phụ mờ nhạt bất đắc dĩ ngang xương trong ấm ức. Biết thân biết phận, 2 đứa rút về ngoại ẩn náu, tìm chỗ dựa tinh thần, xoa dịu nỗi bất bình - Con không thể nào “tồn tại” ở nơi ấy được, con cảm thấy mình thừa thãi. Chúng nói với Lem như thế.
Cũng khung cảnh cũ, nhưng nhà của Chị bây giờ chứa toàn người dưng nước lã, xó xỉnh nào cũng vang vang tiếng nói của một người đàn bà khác lạ, um sùm tiếng khóc của đứa con nít khác lạ, người đàn ông ngày xưa là chồng Chị giờ cũng đầy khác lạ và Ông ta dường như quên mất những đứa con cũ kĩ của mình, Ông ta bây giờ xài đồ mới với một tư cách mới. Tội nghiệp chị Hai ở trên cao, mỗi ngày nhìn thấy toàn bộ những diễn biến xảy ra trong nhà mình mà không được phát biểu ý kiến hay la ó tiếng nào, ngôi nhà rộng mênh mông trước kia chị xây để “Cho 2 đứa nhỏ thoải mái” giờ sao mà tù túng, cố tìm nhưng vô ích, không kiếm đâu ra chỗ nào dành cho chúng. Lem mua một bình hoa giả thật to che mắt Chị, nhưng những âm thanh “khác lạ” đó thì không thể nào ngăn cản được.
Hiệp thật thông minh, lần nầy xây dựng chiến lược mới, lấy một bà vợ ốm nhom ốm nhách, xấu đau xấu đớn để thay đổi thời vận. Bù lại, bà ấy được cái ngọt ngào chiều chuộng lại trẻ trung dễ sai dễ biểu, nhất là không có bầy em vợ, mắt thò lõ, mỏ nhọn hoắt như Lem chòm hòm dòm ngó. Trong nhà, giờ Hiệp là vua, chỉ cần ho một tiếng là có người xuất hiện xoa ngực bóp tay, bóp chân, bóp lưng, bóp bụng. Hiệp không cần phải múa lưỡi mà chỉ toàn ra lệnh. Phải nói, đời người thay đổi xành xạch, địa ngục và thiên đường chỉ trong một cái nháy mắt.
HIỆP hốt trọn thớt thịt to đùng của vợ và giữ rịt lấy như giữ của quý trong người - ngu sao nhả ra cho ai, bà vợ mới còn lâu mới rớ vô được. Hiệp biết quá rõ sau mấy mươi năm dưới chế độ mẫu hệ - Kinh tế quyết định tất cả. Có tiền, sức mạnh của cái lưỡi được nhân lên, cuộc đời HIỆP phất như diều, lên hương thấy rõ, giá trị con người theo đó nâng cao mấy khúc. Sống thế mới đúng là cuộc sống. Thật hả hê. Cái chết đôi khi ngẫm ra cũng là một sự may mắn!!!???
Nhưng cái gì cũng có giá của nó, được nầy thì mất kia. Nắm trong tay tiền bạc, quyền hành, độc quyền độc đoán lại bất tài vô dụng cộng với bà vợ lười biếng việc nhà nhưng siêng năng bài bạc đề đóm thì cái gì đến phải đến.
Năm năm sau, khi sự việc vỡ lở thì cháu của Lem không còn cục đất để cắm dùi. Đã từ lâu Ba chúng do ăn nhậu gái gú, bán lần bán hồi từ của chìm đến của nổi. Bây giờ thì chỉ còn nợ lớn nợ nhỏ bủa vây. Cái nhà đang ở cuối cùng cũng bốc hơi, ngay cả cái bàn thờ cẩn xà cừ kín mít mà Ông Anh rể Lem lúc ấy với biết bao thành ý, thương yêu nhung nhớ, không tiếc tiền mua về cho VỢ “xài” cũng bị khiêng đi. May mắn, Lem đã rước Chị về từ lâu để thờ cúng, tránh không phải chứng kiến những chướng tai gai mắt, nếu không Chị phải tức uất mà chết thêm một lần nữa.
- Người còn không giữ được, của cải sá gì, còn tay còn chân sợ chi bây. Ba Lem giọng run run phát ra từ cái miệng móm mém trấn tĩnh cháu ngoại.
- Tự an ủi chứ biết làm sao há Ba. Lem ghẹo chọc.
Có một điều Lem ấm ức và suy nghĩ mãi nhưng không hiểu nổi, có lẽ khi nào xuống dưới gặp Chị hỏi cho ra lẽ. Tại sao chị có dấu hiệu tiểu đường mà ngày nào ông Hiệp cũng nấu chè đổ vào họng, biết không tốt nhưng Chị cũng quất láng? Chị thèm ngọt và ông Hiệp cứ đều đều đáp ứng liên tục. Tại sao biết Chị cao huyết áp nhưng ngày nào Ông Hiệp cũng vỗ béo Chị bằng thịt chiên thịt nướng thịt hầm, hết heo tới trâu bò gà vịt.
- Mẹ ăn mấy thứ nầy không tốt đâu Ba. Con gái lớn hiểu biết can thiệp.
- Ăn thua gì, người có số, bộ dễ chết lắm sao.
- Ba nấu toàn gì đâu không hà, mẹ có bệnh chứ bộ.
- Mầy giỏi nấu đi. Đi tối ngày về hả họng ăn mà bày đặt nhiều chuyện, tao nấu vậy, bả hỏng ăn thì thôi, tự lo.
Hai thứ bệnh mắc dịch ấy thật lạ, biết là nguy hiểm, càng kiêng cữ lại càng thèm, càng thèm, ăn lại càng thấy ngon mới chết. Chị Hai ở chợ về với cái bụng đói, sức cám dỗ càng mạnh làm sao chịu nổi, cứ vậy mà ngày nào Chị cũng tọng vào bụng những thứ nguy hiểm chết người, còn thầm mang ơn Ông Chồng biết điều, bõ công nấu nướng để chăm sóc cái dạ dày của mình thật chu đáo.
Trong đầu HIỆP toan tính những gì thì... ông Trời cũng chưa chắc thấy được.
Nhưng đó có phải là tội ác? Là đầu độc? Anh Hai cố tình hay vô tình? Tình nghĩa vợ chồng lâu như vậy thì sao Anh có thể làm ngơ trước sức khỏe của vợ? Lem tư thù cá nhân nên buộc tội Anh rể mình vô căn cứ? Tất cả đều không có câu trả lời. Vụ án nầy mấy Chị Em Lem chỉ biết hậm hực trách Chị sao ham ăn hốt uống, hời hợt vô tâm.
- Miệng Bả la ông ổng chứ cái bụng Bả trống rỗng.
- Dò sông dò biển dễ dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người. Bàn ra tán vào chán chê rồi thôi, biết nhiều càng thêm tức, Lem đành nuốt hết những gút mắc vào lòng và lệnh cho mấy em không ai nhắc tới - để cho 2 Cháu sống bình yên.
Gần đi đến cuối cuộc đời, răng rụng không còn cái nào, tóc chỉ lơ thơ vài cọng nhưng Ba “hăm dọa” Lem hoài - Sự đời khó đoán, cái mình tưởng vậy mà không phải vậy, cái mình không nghĩ đến nhưng đúng là vậy, có vậy cuộc đời mới vậy, cho nên con đừng có mà như... vậy...
- Trời ba nói gì vậy Ba? Hỏng hiểu gì hết trơn
- Ba còn hỏng hiểu làm sao con hiểu. Rồi Ba cười khà khà. Ba Lem ngộ ghê, càng già càng hài hước và sanh tật... nói xàm.
“Tất cả mọi thứ trên đời đều có thể dễ dàng biến mất, ngay cả tình yêu thương, nhưng nếu mình không thèm cân đong đo đếm, vô tư cho và nhận và nhìn cuộc đời bằng cặp mắt khoan dung thì cuộc sống chắc tốt đẹp hơn”
Ai mà nói cái câu hay ho đó khiến Lem học thuộc lòng để khi có dịp xổ cho bạn bè mình nghe mà phục lăn cù.
Là Chị Ba Nộ.
Những lời Chị nói ra từ xưa đến nay đều là khuôn vàng thước ngọc, tuy nhiên diễn biến cuộc đời Chị không suôn sẻ cho lắm, cũng trầy vi tróc vảy, ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, đầy những rắc rối bi thương ai oán, nói thì hay như đụng chuyện rồi thì hỡi ôi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét