Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

LEM - 42 - CHỊ HAI HỈ

Những ngày mưa dầm dề, Lem thường nhớ Má nhớ Chị nhớ Minh nhớ Lãm... nó ghét lắm, tại sao cứ nhớ hoài những người đã bỏ rơi nó đi mãi mãi mà thỉnh thoảng, hên lắm nó mới được gặp lại trong giấc chiêm bao.
Qua màn mưa những gương mặt ấy thấp thoáng ẩn hiện cùng với nụ cười, khi thì mím khẻ nhẹ nhàng lơ đãng, lúc lại banh rộng toe toét nhiệt thành, đâu đó trong không gian trắng xóa, ai đang khanh khách cười vang giữa muôn trùng nước mắt từ trên cao đổ xuống rì rầm, nó thấy luôn cả những ánh mắt đang lay động lung linh nhảy múa, ánh mắt ấy nhìn nó dịu dàng như chứa muôn ngàn ân hận. Tiếng nói quen thuộc thân thương ngày nào, những âm điệu đầy cung bậc mà Lem luôn bị ám ảnh trong sự luyến tiếc dai dẳng vọng về - Giọng oang oang luôn kiếm chuyện cằn nhằn cử nhử của Má, tiếng thì thầm rù rì tâm sự của Chị Hai, tiếng la hét cự cãi của Minh, tiếng nói nhỏ nhẹ mềm mại trẻ con của Lãm. Lem thả mình trôi miết theo những hình ảnh của kí ức, nó giống như một cuốn phim dai như đĩa, chiếu đi chiếu lại không biết mệt. Có phải chính mấy thước phim đó đã mang đến cho Lem cảm giác lâng lâng kì diệu lạ lùng, vì vậy nó muốn những hình ảnh mốc meo kia về thăm nó hoài, đeo đẳng nó hoài và hãy cứ tự nhiên dằng dặc nó hoài. Lem tìm thấy trong những đoạn phim rời rạc ấy một nỗi u sầu nhung nhớ nhưng đầy hạnh phúc ngọt ngào của niềm vui tao ngộ, dù chỉ là ảo ảnh. Đừng thắc mắc tại sao nó ngồi nhìn chết trân một điểm ngoài hiên nhà, cười một mình giống như khùng.
Sống nhiều với quá khứ là tốt hay xấu, luyến tiếc dĩ vãng là hay hay dở? Dù ai có phán xét chê bai thế nào Lem đâu cần bận tâm, cái đầu của nó, trái tim là của nó, nó có quyền. Lem hưởng thụ lại những xúc động tuyệt vời khi vùi mình vào kỉ niệm, nơi đó nó có thể tưởng tượng đủ thứ hành vi mà đời thường không thể ra tay, luôn tiện hư cấu vô vàn chi tiết phi lí nhất mà không sợ ai chê bai phản đối, viết tiếp kịch bản mà những nhân vật đó bỏ dở giữa chừng, hình dung ra những gì chưa kịp xảy ra trong khoái trá. Có khi đó là một chứng thần kinh hoang tưởng, biết vậy nhưng Lem cóc sợ và nó cứ miệt mài trốn vào khi có dịp.

Khi Chị Hai ra đi, Lem hiểu ra rằng tất cả đều là tạm bợ, trần gian nầy cũng chỉ là một trần gian tạm bợ. Tình yêu thương và lòng hận thù cũng đều tạm bợ. Rồi tất cả sẽ kết thúc dù cười vui mãn nguyện hay khổ đau cay đắng. Con người thật vĩ đại, biết rất rõ tất cả rồi cũng tàn lụi buông bỏ nhưng vẫn mạnh dạn tiến tới tương lai, đấu tranh cho tương lai, lăn xả sáng tạo cho tương lai. Ai đã nhào nặn ra được con người? Thật ngàn lần tạ ơn và khâm phục.
Chị Hai đi rồi, 10 năm sau Anh Hai trở lại nguyên xi của ngày xưa - nghèo mạt rệp, nghèo rớt mồng tơi, tài sản chỉ còn lại cái lưỡi nhưng giờ vô dụng và teo héo. Bị vợ bỏ con từ, Anh lang thang đầu nầy đầu nọ, và điểm cuối cùng Anh tới hòng tìm chút hi vọng mong manh trong những ngày cuối đời với tấm thân tàn tạ cùng cái mặt dày là Dì tụi nhỏ - Cô em vợ tên Lem.
Nhìn thấy ông Anh rể là Lem sôi máu du côn, nó muốn lên gối ổng vài cái cho hả cơn điên đang đùng đùng trổi dậy. Còn dám vác cái hình hài thô bỉ ấy về đây sao? Thăm con ư? Trò cười! Thăm những giọt máu ổng đã bỏ bê vương vãi lây lất không hề ngó ngàng? Biết rằng đó chỉ là cái cớ cho ý đồ thâm hiểm khác, nhưng sao cũng tội nghiệp quá - Kệ đi! cho ổng vài lời an ủi dối trá vì nể tình Chị Hai và 2 cháu cũng không mất đồng xu cắc bạc nào.
- Bà vợ Ông giờ ra sao?
- Không biết. Ổng lắc lắc cái đầu, 2 con mắt đờ đẫn khờ khạo, 2 bàn tay run run, do đói hay tại bệnh gì vậy? Khi lên voi vênh váo mắc ói máu, lúc xuống chó thê lương thấy thương.
- Mấy đứa nhỏ sau nầy sao? Bà rồm nuôi hả. Lem luôn kêu vợ sau của ông anh rể là bà rồm.
- Ừ!... Mà cũng hỏng biết nuôi hay cho người ta rồi. Làm biếng săn dịch làm gì có tiền nuôi con. Trời! Con ổng mà ổng nói tỉnh rụi giống như con hàng xóm, nhìn ổng như đồ mắc mửa, có hơn ai, bày đặt nói xấu sau lưng người khác. Lịch bày đặt chê lươn. Lem nhìn Anh rể mình, cố moi móc 1 vài ưu điểm và tự hỏi vì sao Chị lại hiến thân và liều mình vì cái khung xương nham nhở nầy.
- Anh không biết chỗ ở sao.
- Bả nay đây mai đó biết đâu kiếm, lúc trước anh có gặp nhưng bị bả đuổi, còn chửi nữa chứ. Chắc có thằng khác rồi. Đồ thứ đàn bà hư thân trắc nết nhắc làm gì.
- Người đàn bà hư nầy Ông bưng bê về, tống khứ 2 đứa con mình ra. Giờ còn nói.
- Tống hồi nào, tự nhiên tụi nó bỏ về với Dì đó chứ.
- Nhà mình sao hỏng ở mà tự nhiên bỏ đi. Bộ tụi nó điên. Mà thôi, không nhắc nữa, giờ Anh tính sao?
- Ghé đây đốt nhang cho Chị rồi Anh đi... Những lời nầy ổng thều thào như hết hơi hết sức.
Anh cầm mấy cây nhang ngập ngừng lúng túng trước bàn thờ của Chị, có vẻ như thành tâm hối hận, mắt nhắm lại, miệng lầm bầm gì đó, chắc nói câu ngàn lần xin lỗi em chứ gì? - Xí toàn đầu môi chót lưỡi. Lem liếc xiên liếc xéo không chút nể mặt. Trên bàn thờ, Chị vẫn nhìn Anh dịu dàng với nụ cười bao dung. Chị vừa đi thoáng cái là Anh đã thân tàn ma dại thế nầy. Người ta nói nghĩ ra cũng đúng “Phía sau người đàn ông thành đạt là bóng dáng người đàn bà... gì gì đó”, nhưng Lem dịch thành ra thế nầy - Phía sau người đàn ông đường hoàng sạch sẽ là bàn tay người đàn bà béo tốt siêng năng - Dù sau thằng chả không chết bờ chết bụi cũng là mừng rồi. Lem nghe như tiếng Chị mình léo nhéo.
Những tội lỗi Anh gây ra không gì bù đắp được, vết thương dù lành sẹo nhưng khi trái gió trở trời lại hành hạ đau nhức, hai đứa nhỏ tuy muốn quên hẳn người cha già bạc bẽo nhưng ơn nghĩa sinh thành không cho phép chúng làm ngơ. Nhìn thấy Ba thảm hại như thế, chúng không nỡ trách móc tiếng nào, còn năn nỉ dì Lem ra tay bồ tát - Chúng mầy ăn phải thứ gì mà lú lẫn ngu si thấy ớn. Lem tức mình chửi lầm thầm. Thế là ông anh rể thường xuyên tới lui thăm nom con mình, có khi ở lại ăn cơm dù Lem chỉ mời lơi. Thứ người gì kì cục không biết nhục!
Hai đứa con Chị Hai biết thân biết phận, nhìn gia cảnh nheo nhúc đông đúc khốn khó của nhà ngoại, nhìn thấy cậu dì lăn lóc tự học, tự lập, tự lo cho tương lai mà ráng bắt chước, học hành tử tế đàng hoàng để có “danh gì với núi sông”. Câu nói ngắn ngủn đó mấy cậu dùng để động viên tinh thần 2 cháu, trước là kiếm đủ cơm nuôi sống bản thân, sau là trông cậy vào thiên thời địa lợi nhân hoà, biết đâu có ngày chụp được cơ hội để nhoi lên làm... cha thiên hạ.
- Đánh người chạy đi, ai nỡ đánh người chạy lại. Ba xoa dịu cả nhà. Ba nhân từ chi vậy? “Nó” đối xử tàn nhẫn với ruột thịt mình, “bức tử” con mình như vậy mà còn bao che.
- Kệ Ổng! Ổng làm Ổng chịu. Ổng phải sống khổ sống sở cho đáng đời ổng. Tội lỗi gây ra bị xử vậy là nhẹ, theo lẽ phải lăng trì hay tứ mã phanh thây mới đúng. Lo cho ổng thì ổng sướng quá rồi. Cơm đâu dư mà nuôi loại người đó, mai mốt trở mặt phản phé không biết đường mà đỡ. Lem bực tức làm một hơi. Phải nói bình thường lòng dạ Lem đã có sẵn hẹp hòi lại hay thù vặt nay gặp phải kẻ thù không đội trời chung, nó sẽ rất hả hê khi nhìn thấy người ta bị đày đọa cùng đường bí lối.
- Thôi đi bây, gì cũng là cha mấy đứa nhỏ, bỏ qua hết đi, Ba tính vầy, về quê bầu bạn với Ba. Xong, khỏi bàn nữa. Thấy chết không cứu sao? Mầy ác quá Lem à.
Còn nói mình ác? Lem hầm hừ hằn học - Nhờ ai trong nhà nầy 2 đứa nhỏ côi cút còn nguyên không sứt mẻ và ăn học đến nơi đến chốn, nhờ ai mà mấy đứa em bây giờ đàng hoàng có công ăn việc làm rõ ràng, nhờ ai mà trong nhà ngoài ngõ mọi việc đều suôn sẻ không hư hao. Là do mình mà, mình không tiếc cả cuộc đời thanh xuân, còng lưng gánh gồng, thí mạng cùi cho cả nhà... còn sống đến ngày hôm nay. Giờ bị gieo tiếng ác. Không ngờ Ba quá bất công vậy - Lem cảm thấy đau đớn vì thấy công lao của mình trước giờ bị đổ sông đổ biển, nó chảy nước mắt đầm đìa.
- Ba nói vậy mà chảy nước mũi sao? Cô tư khóc nhè quá bây. Ba cười chọc tức thêm - làm phước gặp phước, làm ơn mà bây kể công xem như mất sạch.
- Có công mà hỏng cho kể sao? Luật nào kì vậy. Lem trả treo. Lúc nầy đầu Lem 2 thứ tóc rồi mà chứng nào tật nấy.
- Việc mình làm sẽ có người nhìn thấy hết, biết hết. Con không nghe người ta nói sao? “Có đức mặc sức mà ăn”
- Nhưng con ác hồi nào, thằng chả ác thì có.
- Ừ! Ba hiểu mà, thôi bỏ qua đi con, kệ, giúp gì được mình giúp, nuôi tốn hao quá thì mình đuổi đi đâu muộn. Ba trấn an Lem.
- Chả cà chớn là con đuổi liền à?
- Ừ! Lúc đó con tùy ý, ba hỏng bênh đâu.
Vậy là ổng hạ cánh an toàn quá rồi còn gì. Số sao mà sướng, làm ra bao nhiêu là chuyện rốt cuộc cũng có người ra tay nâng đỡ. Chắc kiếp trước ổng có tu hay sao ta? Lem giật mình - Bây giờ mình cũng bắt đầu tu là vừa, biết đâu kiếp sau sẽ đầu thai vào một gia đình quyền quý danh gia vọng tộc. Nhưng thật ra tu... hú thì được, ăn chay đến ngày thứ 2 là bắt đầu ruột rà nó xốn xang chộn rộn, tu ư? Hay là hẹn kiếp sau sau nữa cũng hỏng chừng.
Chị Ba thường bảo Lem không thực tế, hay mơ mộng viễn vông - Những người suốt đời chỉ biết suy tính đắn đo lo nghĩ toàn chuyện hão huyền thì không bao giờ làm nên đại sự. Lem biết bà Nộ nói gì cũng đúng phóc, nhưng nó làm sao mà tẩy não mình được, là sao mà dội rửa sạch bao nhiêu thứ chất chồng chất đống trong ấy từ đời nào. Máu thịt xương tủy nó toàn là các tế bào tào lao nhiều chuyện thì làm sao khiến nó trở thành nữ doanh nhân, nhà uyên bác hay anh hùng liệt nữ. Ai mà không muốn mình xênh xang tiền bạc chức cao quyền trọng, rất muốn là đằng khác. Những người bất tài thường nung nấu những ham muốn tột bực. Lem biết mình đúng là loại người đó và nó rất sáng suốt khi tự biện hộ cho mình - Lòng ham muốn vô hạn nhưng khả năng thì có hạn. Thôi, đành an phận với những gì mình có. Có la ó giãy đành đạch thì cũng là con Lem tèm lem tuốt luốt y như vậy thôi.
Bà Ba Nộ ơi! Đâu phải ai cũng giỏi giang như bà. Bà hãy tận hưởng những thành quả to lớn từ trí óc thông minh sắc sảo của bà đẻ ra. Nhưng sao mỗi lần gặp tôi bà lại mặt ủ mày ê, nước mắt cứ tuôn ra như lũ tràn bờ. Tại sao vậy Bà? Có lẽ nước mắt không từ chối một ai, dù nhà cao cửa rộng, quyền lực vô biên nhưng chưa chắc những nỗi đau khổ trái ngang nó sợ mà tránh sang đường khác, và cái khổ của chị Ba Lem là cái khổ hiếm có khó mà nói thành lời...

4 nhận xét:

  1. Ba luôn luôn đại lượng, nhân từ, mặc dù người ta sao, thây kệ.

    Trả lờiXóa
  2. Anh Đỗ: Thấy con mình dữ quá nên Ba làm phước để đức lại cho con gái đó Anh à!

    Trả lờiXóa
  3. Người cha khi làm chuyện gì mà còn nghĩ đến việc để đức lại cho con là hay lắm đó bạn.
    LEM khỏe không?

    Trả lờiXóa
  4. O XUÂN: Cám ơn O Xuân. Lem khoẻ lắm nên mới nhiều lời như vậy.
    Trên đời nầy có đủ hết những tính cách, gieo gì gặt nấy mà!

    Trả lờiXóa